Phần 3: Tại sao người tiêu dùng từ chối thực hành tiêu dùng đạo đức?
Trong bối cảnh của những phong trào xã hội đề cao hành vi trách nhiệm xã hội như hiện nay, các nhà nghiên cứu đều nhận thấy người tiêu dùng là những người có quyền lực rất lớn để thay đổi hành vi tiêu dùng, thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường sống, với động vật hay những vật thể sống khác trên trái đất. Họ cũng có quyền lực rất lớn để lên tiếng, để buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hành vi, có trách nhiệm xã hội và phải sản xuất đáp ứng các chuẩn tắc về đạo đức của xã hội. (De Pelsmacker at al 2005, dẫn theo Astous & Legendre 2009).
Thực tế là ngày càng có nhiều hơn người tiêu dùng có thái độ quan tâm đến các sản phẩm có đạo đức (ethical products) và các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội (Dawkins 2004, Billock 2004) . Tuy nhiên, việc nhận thức về đạo đức, các sản phẩm có đạo đức (ethical products) và doanh nghiệp có tránh nhiệm xã hội không có nghĩa là người tiêu dùng sẽ thực hành nó. Nói cách khác, có một khoảng cách lớn giữa lời nói và thực hành thực tế của người tiêu dùng, vì thị trường của các sản phẩm đạo đức khá nhỏ, và người tiêu dùng thừa nhận rằng họ thường thực hành không theo đạo đức (Astous & Legendre 2009, Eckhardt at al 2006). Vậy tại sao người tiêu dùng lại từ chối thực hành đạo đức tiêu dùng, mặc dù ý thức được nó? Những rào cản nào đã cản trở người tiêu dùng tham gia vào các phong trào tiêu dùng? Các mô hình của Hunt & Vitell (1986) và Rest (1986) về quá trình ra quyết định của người tiêu dùng về đạo đức (ethical decision-making models) đề xuất các bước cơ bản: xác định bản chất đạo đức của một tình huống, đưa ra đánh giá về mặt đạo đức, xác định sự cam kết về đạo đức và tham gia vào một hành động có tính đạo đức.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu dùng thường quan tâm đến mối quan tâm của cá nhân hơn là của xã hội, nên nếu hành vi trách nhiệm xã hội dẫn đến lợi ích cho cá nhân thì họ sẽ thực hành (vì thế họ đồng ý rằng doanh nghiệp nên có trách nhiệm xã hội, nhưng họ sẽ từ chối mua hàng nếu điều đó dẫn đến sự tăng lên của giá cả, chất lượng thấp hơn, hay thời gian bị phí phạm) (Carrigan & Attalla 2001, Page & Fearn 2005, Devinney at al 2006). Astous & Legendre (2009) đã chỉ ra ba cách thức biện minh (justification) cơ bản của người tiêu dùng cho việc không thực hành tiêu dùng có trách nhiệm xã hội: biện minh về tính duy lý kinh tế (economic rationalist argument) cho rằng giá của trách nhiệm xã hội lớn hơn lợi ích mà nó mang lại; biện minh về tính thực tế trong phát triển kinh tế (economic development reality) cho rằng những khát vọng về đạo đức ít quan trọng hơn là sự phát triển kinh tế của đất nước; và biện minh về sự phụ thuộc của chính phủ (government dependency) cho rằng nếu thực sự tệ như vậy thì chính phủ đã làm gì đó, vì thế, nơi nào không có luật cấm, thì hành vi của họ là hợp pháp và không thể bị đổ lỗi. (2009: 257).
Không chỉ là việc người tiêu dùng từ chối, hoặc không có cam kết đạo đức với hành vi tiêu dùng, mà một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, bằng việc lựa chọn, mua sắm, tiêu dùng và tin rằng mình có hiểu biết và sáng suốt, người tiêu dùng đã biến mình thành những công dân tồi, theo nghĩa vô tình đang cổ súy cho cái gọi là xã hội tiêu dùng. Robert Rochefort (2007) đặt tên cho quyển sách của mình một cách đầy khiêu khích: Người tiêu dùng sáng suốt và người công dân tồi. Qua các quan sát xã hội học và dựa vào các số liệu tiêu dùng của các nước tư bản đầu thế kỷ XXI, R.Rocherfort cho rằng, bằng việc người ta lựa chọn, mua sắm, tiêu dùng và tin rằng mình có hiểu biết, mình sáng suốt, tức là họ đã biến mình thành những công dân tồi, theo nghĩa vô tình đang cổ súy cho cái gọi là xã hội tiêu dùng. Ở trong xã hội đó, việc sản xuất và tiêu dùng đang làm hủy hoại môi trường, quá đá trong sản xuất, kiệt quệ tài nguyên, mất niềm tin và thiếu đạo đức trong kinh doanh (Rochefort (2007). Từ những năm 1970, sự nổi lên của phong trào môi trường, với sự phản ứng hippy đối với vật chất, đã làm giảm đi tác động sinh thái của tiêu dùng bừa bãi (Fritsch, 1974; (Goldsmith et al., 1972: 2). Rocherford (2007) cũng đề xuất mỗi người tiêu dùng cần phải thay đổi để trở thành người công dân tốt, thông qua việc “giáo dục về tiêu dùng”, “bảo vệ người tiêu dùng”, “điều tiết trong hoạt động quảng cáo” hay “giảng hòa với tín dụng dành cho tiêu dùng”…
Xem Phần 1: Người tiêu dùng thụ động hay chủ thể tự quyết?
Xem Phần 2: Người tiêu dùng có đạo đức và doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội.