Phong trào bảo vệ quyền của người LGBT được diễn ra trong nhiều lĩnh vực như luật pháp, truyền thông, gia đình hay quân đội. Các vận động này đang tạo ra nhiều thay đổi tích cực và trở thành xu thế trên thế giới. Số liệu từ điều tra giá trị thế giới (world values survey) cho thấy tỉ lệ người không chấp nhận đồng tính đã giảm từ 59% năm 1993 xuống còn 34% năm 2006 (world values survey, 2015).
Tuy có những thay đổi tiến bộ trong xã hội nói chung, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới trong môi trường công sở vẫn là một hiện tượng còn phổ biến. Theo Humphrey (1999), Raeburn (2004), Colgan và Rumens (2014) thì “không nơi đâu cuộc chiến này lại căng thẳng như ở nơi làm việc”. Các nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990 cho thấy 16% đến 68% người đồng tính và song tính cho biết họ đã có những trải nghiệm bị phân biệt đối xử. Từ giữa những năm 1990 có thêm 15 nghiên cứu về chủ chủ đề này, và các nghiên cứu trong giai đoạn này cho thấy 15% đến 43% người đồng tính và song tính cho biết có trải nghiệm bị phân biệt đối xử.
Trong các nhóm LGBT thì người chuyển giới phải đối mặt với các rào cản ở nơi làm việc nhiều hơn cả. Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia vì bình đẳng cho người chuyển giới và Nhóm làm việc quốc gia về đồng tính ở Mỹ (2009) thì 97% trong tổng số 6,456 người chuyển giới được hỏi cho biết họ có trải nghiệm bị quấy rối và phân biệt đối xử ở nơi làm việc. Người chuyển giới thường gặp các rào cản cụ thể như nhà vệ sinh vì đa số các nhà vệ sinh chỉ dành cho Nam hoặc cho Nữ. Các đặc điểm về giọng nói, chiều cao, tình trạng chuyển đổi cơ thể cũng hay là cơ sở để bị kỳ thị. Nhưng một vấn đề hay gặp nhất đó chính là tên gọi và giới tính được ghi trên giấy tờ tùy thân của người chuyển giới. Điều này ảnh hưởng đến công việc, đi lại hoặc sở hữu tài sản của người chuyển giới.
Hiện đã có 30 quốc gia có luật bảo vệ nhóm thiểu số tính dục đó là Canada, Iceland, Israel, New Zealand, Nauy, Slovakia, Thụy Điển, Nam Phi và 22 quốc gia thuộc liên minh châu Âu. Đối với các quốc gia thuộc liên minh châu Âu thì Điều 13 trong Hiệp ước Amsterdam 1997 cho phép chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục (cụ thể là 22 quốc gia đã phê chuẩn Hướng dẫn về nghề nghiệp – Employment Directive 2000/78/EC – về đối xử bình đẳng, bao gồm cả về xu hướng tính dục). Hiện ở Mỹ chỉ có Đạo luật cải cách dịch vụ công năm 1978 nhằm đảm bảo lực lượng lao động trong khối công lập có tính đại diện và phản ánh sự đa dạng của xã hội. Tuy nhiên, Đạo luật này thường được nhấn mạnh vào yếu tố sắc tộc và giới, còn yếu tố xu hướng tính dục và bản dạng giới thì không được nhắc đến. Tuy nhiên ở cấp bang thì có có 29 bang cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và 38 bang cấm phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Như vậy, mặc dù quyền kết hôn cùng giới đã được hợp pháp hóa bởi Tòa án tối cao năm 2015 nhưng hiện tại người lao động có thể bị sa thải chỉ vì họ thuộc cộng đồng LGBT ở 28 bang chưa có điều luật cấm phân biệt đối xử với người LGBT trong công việc.