Một câu hỏi quan trọng mà các công ty luôn có là chính sách bình đẳng đối với người LGBT có mang lại lợi ích tài chính cho công ty không. Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã có câu trả lời này, và chủ yếu là cho kết quả tích cực.
Tăng giá trị, năng suất, và lợi nhuận công ty
Khi phân tích kết quả tài chính (ROE – Return On Equity) của 270 công ty được coi là cởi mở, có chính sách tôn trọng sự đa dạng (LGBT270) và so sánh nó với kết quả trung bình của các công ty ở thị trường phát triển và thị trường mới nổi thì nghiên cứu của Credit Suisse cho thấy LGBT270 có ROE hàng năm cao hơn 3% trong suốt 6 năm nghiên cứu[1]. Khi nghiên cứu 128 công ty ở Hà Lan và Bồ Đào Nhà thì Seth John Cabral Carreiro cũng cho thấy chính sách bình đẳng có ảnh hưởng tích cực lên kết quả tài chính của công ty[2]. Một nghiên cứu thực nghiệm của Shaun Pichler và cộng sự thì cho thấy các công ty có chính sách không phân biệt đối xử có giá trị của công ty cao hơn, năng suất cao hơn và lợi nhuận cũng cao hơn. Khi các công ty tiếp tục (hoặc dừng lại) việc áp dụng chính sách chống phân biệt đối xử thì giá trị, năng suất và lợi nhuận của công ty tăng (hoặc giảm)[3].
Nghiên cứu của McKinzey cho thấy có một mối liên hệ tích cực giữa thành công trong hoạt động của các công ty với tính đa dạng của công ty, nói cách khác các công ty có tính đa dạng (giới, sắc tộc, LGBT) cao hơn thì có khả năng cao hơn trong việc thu lợi tài chính[4]. Một nghiên cứu khác của đại học Harvard cho thấy sự đa dạng giúp cho công ty có khả năng sáng tạo và thu lợi cao hơn, cụ thể công ty có sự đa dạng lớn hơn thì có 45% xác xuất cao hơn so với công ty khác về việc tăng tỉ lệ thị trường và 70% xác xuất cao hơn có được thị trường mới[5].
Tiếp cận thị trường tiềm năng cao của người LGBT
Chính sách tôn trọng LGBT mang lại kết quả kinh doanh tích cực còn do việc mở cửa được thị trường của người LGBT, thay đổi và làm giàu văn hóa doanh nghiệp vì có nhiều góc nhìn mới, và có giá trị thân thiện với gia đình vì ủng hộ gia đình cùng giới (Foldy and Creed, 1999). Sức mua của thị trường những người đồng tính ở Mỹ ước tính vào khoảng $835 tỉ đô vào năm 2014 (Paul et al., 2011) và $917 tỉ đô vào năm 2015[6]. Như vậy, ngày càng có nhiều công ty hướng tới thị trường này. Năm 1994, chỉ có 19 công ty trong Fortune 500 có quảng cáo nhắm vào thị trường người đồng tính thì năm 2005 đã có 175 công ty trong Fortune 500 quảng cáo hướng tới thị trường này. Khách hàng là người đồng tính nổi tiếng trung thành với các thương hiệu họ sử dụng (Iwata, 2006; Valenti, 2012) và thích mua các sản phẩm của các công ty có chính sách ủng hộ người LGBT hơn (Clermont, 2006; Valenti, 2012). Đây chính là lý do mà các tập đoàn như Procter and Gamble, AT&T, American Express, và Xerox đã thôi quảng cáo ở chương trình truyền thanh (Dr. Laura Schlessinger’s radio talk) do người dẫn chương trình có thái độ chống người đồng tính (Valenti, 2012)[7].
Tăng nâng suất và cam kết của nhân viên
Liwei Shan, Shihe Fu và Lu Zheng sử dụng số liệu của các công ty đại chúng Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2002-2006 và chứng minh được các tập đoàn có chính sách bình đẳng với người LGBT thì có lợi tức lớn hơn và giá trị thị trường lớn hơn. Ngoài ra, các tập đoàn này cũng có năng suất của nhân viên cao hơn, chứng tỏ danh tiếng tích cực của công ty đã giúp họ tuyển được nhiều nhân tài để có năng suất cao và tăng giá trị của công ty[8]. Các ảnh hưởng tích cực này là do ba nguyên nhân chính mang lại. Thứ nhất, do những nhà tuyển dụng không phân biệt đối xử có được lượng ứng viên nhiều hơn do họ không gạt các ứng viên là LGBT ra khỏi tiến trình tuyển dụng. Thứ hai, chính sách và văn hóa bao dung thường tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở và trong sáng giúp cho năng suất lao động của nhân viên cao hơn. Thứ ba, bình đẳng với người LGBT cũng giúp cho sự cam kết và trung thành của nhân viên với công ty tăng lên, giúp công ty giảm tỉ lệ chuyển việc và tăng được năng suất.
Giảm thiểu chi phí hoạt động và pháp lý cho công ty
Khi phân tích 36 nghiên cứu khác nhau về mối quan hệ giữa chính sách tôn trọng sự đa dạng và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, V. Lee Badgett, Laura E. Durso, Angeliki Kastanis & Christy Mallor[9] đã tìm thấy mối quan hệ định lượng đáng tin cậy ở một số lĩnh vực khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, chính sách bình đẳng giúp tăng năng suất và thâm niên làm việc của người LGBT và từ đó giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho công ty. Tác động này được tạo ra do tình trạng sức khỏe được cải thiện, tăng sự thỏa mãn với công việc, mối quan hệ giữa nhân viên và quản lý cải thiện, và tăng sự cam kết với công ty. Các kết quả này có được là do các chính sách không phân biệt đối sử dẫn đến sự cởi mở và giúp cho người LGBT không phải che dấu xu hướng tính dục và bản dạng giới, từ đó giảm căng thẳng tâm lý (Pachankis, 2007), cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch (Cole, Kemeny, et al., 1996; Cole, Taylor, et al., 1996).
Ở cấp độ tổ chức, nghiên cứu của V. Lee Badgett, Laura E. Durso, Angeliki Kastanis & Christy Mallor cho thấy chính sách tôn trọng sự đa dạng giúp giảm chi phí bảo hiểm sức khỏe và chi phí kiện tụng do vi phạm điều luật bình đẳng. Robinson và Dechant (1997) [10] cho thấy lợi ích của chính sách tôn trọng sự đa dạng mang lại bao gồm: tiết kiệm chi phí nhờ tỉ lệ bỏ việc thấp, tỉ lệ vắng mặt thấp, ít bị kiện tụng.
Tuyển dụng và lưu giữ nhân tài
Một trong tác động lớn của chính sách tôn trọng sự đa dạng, cụ thể là với LGBT là hình ảnh và khả năng tuyển dụng nhân tài của công ty. Theo điều tra ở Anh, 89% nhân viên là LGBT muốn công ty có một chính sách công khai tôn trọng sự đa dạng, bao gồm cả cho người LGBT và 72% người không phải là LGBT thì muốn làm việc cho một công ty có chính sách chống phân biệt đối với người LGBT. Nhiều tập đoàn lớn cho thấy một chính sách công khai về việc đối xử bình đẳng với người LGBT giúp cho công ty truyền thông điệp rõ ràng về văn hóa tiến bộ (progressive) và coi trọng nhân tài (meritocratic) của công ty. Đây là lý do nhiều tập đoàn lớn như Alcoa, BP, Ford Motor Co, Goldman Sachs có chính sách bình đẳng với LGBT trong tuyển dụng[11].
Việc có mặt của cộng đồng LGBT thường được gắn với môi trường làm việc sáng tạo và từ đó làm tăng lợi tức cho công ty (Cunningham, 2011a, pp. 1042-3), đây cũng là một lý do để Anh cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới vào năm 2003 (Colgan et al., 2009)[12].
Nâng cao hình ảnh công ty có trách nhiệm trong mắt công chúng
Việc tôn trọng LGBT cũng được coi là nâng cao hình ảnh vì nó cho thấy công ty có trách nhiệm xã hội và tôn trọng quyền con người. Một doanh nghiệp được coi là có trách nhiệm xã hội là một doanh nghiệp đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sự đa dạng của nhân lực, tuân thủ các chuẩn mực quyền con người, cam kết sản xuất các sản phẩm an toàn và chất lượng cao, đóng góp cho các hoạt động từ thiện, hoặc hỗ trợ các cộng đồng địa phương (Renneboog, Horst, and Zhang, 2008; Statman, 2006). Việc tuân thủ trách nhiệm xã hội này đã tạo ra ảnh hưởng về sự sáng tạo, chất lượng nhân lực, danh tiếng, văn hóa, giảm thiểu xung đột với cộng đồng địa phương từ đó giảm các chi phí kiện tụng, đền bù hoặc rủi ro (Godfrey, Merrill, and Hansen, 2009; Koh, Qian, and Wang, 2013; Surroca, Tribo, and Waddock, 2010; Waddock and Graves, 1997).
Thúc đẩy năng lực sáng tạo của công ty
Ảnh hưởng của việc không phân biệt đối xử lên sự sáng tạo của công ty được ngầm hiểu từ lâu bởi nó giúp cho làm việc nhóm tốt hơn, các thành viên cởi mở hơn, trong thảo luận có nhiều quan điểm khác nhau hơn và tất cả đều góp cho việc tìm ra sáng kiến mới. Huasheng Gao và Wei Zhang[13] đã đánh giá điều này thông qua nghiên cứu thực nghiệm dựa vào 58,009 doanh nghiệp trong giai đoạn từ 1976 đến 2008. Họ phân tích mối quan hệ giữa việc một bang ở Hoa Kỳ thông qua Luật chống phân biệt đối xử trong công việc lên sức sáng tạo của công ty thông qua số bằng sáng chế đăng ký. Nghiên cứu của họ cho thấy trung bình, doanh nghiệp ở các bang có Luật chống phân biệt đối xử trong công việc có số bằng sáng chế 8% cao hơn so với doanh nghiệp ở bang không có luật này. Nếu tính số lần sáng chế được trích dẫn thì tỉ lệ này là 11% cao hơn. Nghiên cứu này rất thuyết phục vì các bang giống nhau trước khi thông qua luật chống kỳ thị và sự khác biệt bắt đầu xuất hiện thường là 3 năm sau khi luật đã được thông qua. Điều này chứng tỏ mối quan hệ nhân quả là thuyết phục. Để chắc chắn hơn thì nghiên cứu đã kiểm soát điều kiện địa phương thúc đẩy sự thay đổi của luật pháp bằng cách kiểm soát GDP, dân số, giáo dục và cân bằng chính trị thì thấy ảnh hưởng vẫn rõ ràng. Thậm chí khi so sánh doanh nghiệp ở hai bang sát nhau, có điều kiện kinh doanh tương tự, chỉ khác là luật chống phân biệt đối xử dừng lại ở biên giới bang thì nghiên cứu vấn cho thấy sự khác biệt.
[1] Credit Suisse (2016). Global equity research.
[2]Seth John Cabral Carreiro (2014). Measuring workplace climate for LGBT people: antecedents and outcomes of an LGBT-inclusive workplace climate.
[3]Shaun Pichler, Janell L. Blazovich, Kirsten A. Cook, Janet M. Huston và William R. Strawser (2017). Do LGBT-supportive corporate policies enhance firm performance?
[4]McKinsey & Company (2015), Why Diversity Matters
[5] Harvard Business Review (2013), How Diversity Can Drive Innovation
[6]https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-07-20/lgbt-purchasing-power-near-1-trillion-rivals-other-minorities
[7]Shaun Pichler, Janell L. Blazovich, Kirsten A. Cook, Janet M. Huston và William R. Strawser (2017). Do LGBT-supportive corporate policies enhance firm performance?
[8] Liwei Shan, Shihe Fu and Lu Zheng (2012). Corporate sexual equality and firm performance.
[9]V. Lee Badgett, Laura E. Durso, Angeliki Kastanis & Christy Mallor (2013). The business impact of LGBT-supportive workplace policies
[10] Robinson and Dechant (1997). Building a business case for diversity
[11] Open for Business (2016). The economic and business case for global LGB&T inclusion (page 40)
[12] Carl Rhodes. Ethical praxis and the business case for LGBT diversity: Political insights from Judith Butler and Emmanuel Levinas. September 2017.[13] Huasheng Gao and Wei Zhang (2015). Does Workplace Discrimination Impede Innovation?