Văn hoá tiêu dùng (p1)

Văn hóa tiêu dùng (P1)

Marx hiểu khái niệm “consumption” theo nghĩa sản xuất hàng hoá (commodity production) hơn là cách hiểu mang tính biểu tượng và dạng thức văn hoá của nó như trong nghĩa hiện đại của từ này. Hàng hoá (commodity) được Marx định nghĩa “một vật bên ngoài, một thứ mà qua đó, những phẩm chất của nó đáp ứng nhu cầu của con người” (1990:125), và vật đó có thể trao đổi lấy một thứ khác.

Đối với Marx, tiêu dùng gắn liền với nhu cầu (need), và được đặt trong mối quan hệ biện chứngvới sản xuất. Theo Marx, tiêu dùng chính là một trong những hoạt động sống cơ bản của con người. Khi xã hội còn “nghèo”, hoạt động tiêu dùng của con người thường nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản, tối thiểu. Marx lãng mạn hoá về thời kỳ tiền Tư bản chủ nghĩa, tiền công nghiệp (pre-capitalist, pre-industrial),  cho rằng ở giai đoạn còn tự cung tự cấp, không có sự tha hoá của con người ra khỏi sản phẩm họ sản xuất, nên mối quan hệ giữa người với người là thực chất. Nhưng khi xã hội có sự phát triển, thì những nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng, và chính những nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của con người càng kích thích, tạo động lực cho quá trình sản xuất xã hội và cho sự phát triển của xã hội.

Theo quan điểm của Marx, ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa, hàng hoá là những đơn vị nền tảng căn bản của dạng thức kinh tế dựa trên sự tích luỹ thặng dư cao độ. Trong bộ sách Tư bản (Capital, 1867), Marx phân tích hàng hoá có hai giá trị: giá trị sử dụng  (use-value) (giá trị thực dựa trên tính toán giá vật liệu và sản xuát) và giá trị trao đổi (exchange-value) (giá trên thị trường: giá ai đó sẵn sàng trả cho sản phẩm). Mối quan hệ giữa người với người (the labourer and the capitalist)) trở thành quan hệ giữa các vật (things): việc chuyển đổi từ một miếng gỗ trở thành cái bàn là qua lao động và giá trị sử dụng, nhưng khi cái bàn trở thành hàng hoá (“commodity”), nó mang trong mình giá trị trao đổi (exchange-value). Hai giá trị này tách biệt bởi vì hàng hoá mang trong nó những giá trị thị trường có tính xã hội, bất kể giá trị thực về nguyên liệu để sản xuất ra nó. Và trong thị trường của giá trị trao đổi, người sản xuất thực sự của hàng hoá không được lộ diện, và một hàng hoá được biết đến qua giá trị trao đổi của nó (dựa trên labour power). Học thuyết giá trị lao động ( của Marx giải thích rằng thời gian lao động (labor time) dành cho việc làm ra sản phẩm là tiêu chí duy nhất có thể so sánh các hàng hoá khi trao đổi. Trong một thị trường phát triển, tất cả các loại hàng hoá khác nhau, dù giá trị sử dụng khác nhau, đều được đo lường bằng tiền tệ).

Đặc biệt, Marx mượn khái niệm “fetishism” (sùng bái) của nhân học (từ tín ngưỡng bái vật giáo) để nói về sự sùng bái hàng hoá (Fetishism of commodities), với hàm ý  kết hợp giữa khái niệm hàng hoáquyền lực ma thuật (magical power). Hàng hoá tự mang trong nó hai hàm nghĩa: thứ nhất, đó là vật để trao đổi với giá trị tiền tệ nhất định; thứ hai, mặc dù không rõ ràng, hàng hoá phản ánh không chỉ lao động sử dụng để làm ra hàng hoá, mà cả các mối quan hệ xã hội của sản xuất hàng hoá mà qua đó, lao động được lộ ra. Khía cạnh xã hội của hàng hoá không được thể hiện rõ bởi trong xã hội tư bản, chất lượng của một sản phẩm hàng hoá lại được đo lường bởi giá cả của nó, mà không phải bởi lao động xã hội. Marx cho rằng việc sức lao động của một hàng hoá không được tính đến, mà chỉ là giá trị tiền, cho thấy xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại đã gán những ý nghĩa có tính ma thuật, huyền bí cho dạng thức tiền tệ (money-form).


Xem Phần 2: Tiêu dùng và chủ nghĩa khoái lạc 

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top
Scroll to Top